CHƯƠNG II

THỜI GIAN

         I. ĐỊNH NGHĨA THỜI GIAN

II. ĐO LƯỜNG THỜI GIAN

1.     CÁC ĐƠN VỊ ĐO TÍNH

2.     GIỜ GMT & GIỜ UTC

 III. PHÂN LOẠI THỜI GIAN

-         THỜI GIAN VẬT

-         THỜI GIAN TÂM

-         THỜI GIAN SINH HỌC

-         THỜI GIAN ĐỊA CHẤT

-         THỜI GIAN THẲNG DỌC

-         THỜI GIAN CHU KỲ

 IV. SỰ KHỞI ĐẦU CỦA THỜI GIAN

1. VỤ NỔ BIG BANG

2. TỐC ĐỘ CỦA THỜI GIAN

  

I. ĐỊNH NGHĨA THỜI GIAN

Thời gian là một bí mật lớn. Chúng ta cảm nhận nó trôi qua. Chúng ta đo đạc tiến trình của nó với những dụng cụ đo lường tinh vi.. Nhưng có một điều chúng ta không làm được là định nghĩa thời gian.Có ai có thể định nghĩa thời gian là gì? Tiếng gõ nhịp của chiếc đồng hồ treo tường, ngày và đêm, tháng, năm, rồi thế kỷ - những điều này chỉ là dấu hiệu bên ngoài, là những đơn vị đo lường thời gian, chứ không phải là thời gian.Thời gian có mặt khắp nơi nhưng cũng không tìm thấy ở nơi nào... Thời gian vừa ở bên ngoài, vừa ở trong lòng ý thức của chúng ta.Thời gian và đời sống gắn liền với nhau. Khoa vật lý tìm cách đo lường thời gian. Khoa thiên văn tìm hiểu sự vận hành của chiếc đồng hồ vũ trụ khổng lồ. Khoa địa chất tìm hiểu thời gian lưu lại trên bề mặt trái đất và khoa khảo cổ  cố gắng tìm lại dấu vết thời gian qua các di tích còn lại từ thời cổ xưa,

 

II. ĐO LƯỜNG THỜI GIAN

 

1.     CÁC ĐƠN VỊ ĐO TÍNH

  Có hai hình thức riêng biệt:

-         Dùng lịch, một trừu tượng toán học để tính thời gian rộng lớn của thời gian

-         Dùng đồng hồ, một cơ chế vật lý đếm các đoạn liên tục của thời gian. Đồng hồ được tham khảo ý kiến trong thời gian ít hơn một ngày. 

  

 

                              ĐƠN VỊ THỜI GIAN

Đơn vị

Kích thước

Ghi chú

yoctosecond

10 -24 s

 

zeptosecond

10 -21 s

 

atto giây

10 -18 s

thời gian ngắn nhất bây giờ có thể đo lường

femto giây

10 -15 s

thời gian xung laser nhanh nhất

pico giây

10 -12 s

 

nano giây

10 -9 s

thời gian cho các phân tử để phát huỳnh quang

micro

10 -6 s

 

mili giây

0,001 s

 

Giây

1 s

SI đơn vị cơ sở

phút

60 giây

 

giờ

60 phút

 

ngày

24 giờ

 

tuần

7 ngày

Còn được gọi là tuần lể

     

tháng âm lịch

27,2-29,5 ngày

 

tháng

28-31 ngày

 

quý

3 tháng

 

năm

12 tháng

 

phổ biến năm

365 ngày

52 tuần + 1 ngày

năm nhuận

366 ngày

52 tuần + 2 ngày

     

Gregory năm

365.2425 ngày

 

 

Theo quy ước hiện đại trong vật lý, 1 giây được định nghĩa như sau: 

§  Giây là khoảng thời gian bằng 9,192,631,770 lần chu kỳ của bức xạ điện từ được phát ra hoặc hấp thu bởi nguyên tử Ce133 khi chuyển từ một mức độ năng lượng này tới một mức độ khác

§  Nhờ những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đo tính thời gian đã trở thành mỗi ngày một thêm chính xác. Với đồng hồ cơ khí và đồng hồ tự động, người ta có thể nhanh chậm một vài giây trên một ngày, trong khi đó đồng hồ quartz chỉ còn sai một vài giây trên một tháng, và đồng hồ nguyên tử một giây trên một triệu năm !

 

2.     GIỜ GMT & GIỜ UTC

Giờ GMT (viết tắt từ tiếng Anh Greenwich Mean Time ) là giờ Mặt Trời tại Đài thiên văn Hoàng Gia Greenwich tại Greenwich gần Luân Đôn, Anh. Nơi đây được quy ước nằm trên kinh tuyến số 0.

Trên lý thuyết, vào giữa trưa theo GMT, vị trí của Mặt Trời, quan sát tại Greenwich, nằm ở đường kinh tuyến Greenwich. Thực tế, chuyển động của Trái Đất trên quỹ đạo quanh Mặt Trời không thực sự tròn mà theo hình elíp, với tốc độ thay đổi trong năm, dẫn đến chênh lệch giờ Mặt Trời trong một năm lên đến 16 phút (có thể tính được theo phương trình thời gian quỹ đạo). Một cách khắc phục là lấy trung bình quanh năm và giờ GMT là giờ Mặt Trời trung bình của năm.

§  Trái Đất tự quay quanh mình cũng không đều, và có xu hướng quay chậm dần vì lực thủy triều của Mặt Trăng. Các đồng hồ nguyên tử cho ta thời gian chính xác hơn sự tự quay của Trái Đất. Ngày 1 tháng 1,1972, một hội nghị quốc tế về thời gian đã thay GMT bằng Giờ Phối hợp Quốc tế UTC(Coordinated Universal Time). UTC được Văn phòng quốc tế về khối lượng và độ dài (tiếng Pháp: Bureau International des Poids et Mesures, BIPM)  định nghĩa dựa trên hàng trăm đồng hồ nguyên tử xezi trên khắp thế giới.

 UTC được dùng để tượng trưng cho “thời gian Trái Đất quay”. Giây nhuận được thêm hay bớt vào UTC để giữ nó không khác UT nhiều quá 0,9 giây. Múi giờ trên thế giới được tính bằng độ lệch âm hay dương so với giờ quốc tế.Giờ UTC được viết bằng bốn chữ số sau:

§  Hai số chỉ giờ từ 00 đến 23

§  Hai số chỉ phút từ 00 đến 59

Không có dấu giữa các số này. Ví dụ, 3 giờ 7 phút chiều được viết là: 1507.

Để dùng trong luật lệ-thương mại và cuộc sống ngày, phần lẻ khác biệt giữa UTC và UT (hay, GMT) là cực nhỏ không tính nên theo thông tục UTC đôi khi được gọi là GMT.

 

CÔNG THỨC TÍNH GIỜ THEO GIỜ GMT


Trái đất được định vị bằng kinh tuyến và vĩ tuyến. Kinh tuyến là các đường cung từ Bắc xuống Nam. Hãy tưởng tượng có 360 kinh tuyến (tương ứng với quả cầu 360 độ). chúng ta cũng biết 1 ngày có 24giờ và trái đất tự quay một vòng là đúng 1 ngày. 

Như vậy một múi giờ là : 360/24=15 độ ( kinh tuyến ) 

Việt Nam ta có kinh độ là 105 thì 105/15=7 

Điều nầy có nghĩa là nếu Việt Nam là 7 giờ thì ở múi giờ đầu tiên (từ kinh tuyến 0 đến 15) là 0giờ. 

Theo quy ước kinh tuyến 0 nằm gần đài thiên văn nước Anh ở Greenwich nên người ta lấy giờ nơi đó làm mốc. Do đó mới có từ giờ quốc tế là GMT (Greenwich Mean Time). 

Cứ lấy kinh độ làm phép chia với 15 là tìm ra giờ địa phương. 

Tuy nhiên, người ta không đặt kinh tuyến từ 0 - 360 mà chia làm kinh độ Đông và kinh độ Tây. Như Việt Nam ở kinh độ Đông còn Bắc Mỹ ở kinh độ Tây. Đối với quốc gia có vùng lãnh thổ trãi dài nhiều kinh độ ( như Nga hay Mỹ chẳng hạn ) thì quốc gia đó sẽ áp dụng nhiều giờ khác nhau cho các địa phương ngoài giờ chính thức tại thủ đô của họ. Mỗi địa phương có thể quy định tự thay đổi múi giờ theo mùa. Do vào mùa hè mặt trời mọc sớm, một số nước ôn đới hoặc gần vùng cực đã thực hiện quy ước chỉnh đồng hồ chạy sớm lên một giờ. Điều này khiến chênh lệch giờ giữa các địa phương thêm phức tạp.

Bạn vào địa chỉ sau đây để xem giờ hiện tại của tất cả các nơi trên thế giới http://www.worldtimezone.com/ 

 Khi xét về mặt thời gian thì vùng bị giới hạn bởi hai kinh tuyến liền kề nhau vẫn gọi là múi giờ trong tiếng Việt. Có quốc gia tuy các vùng nằm trên cùng một múi giờ nhưng lại dùng giờ lệch nhau do nguyên nhân chính trị. Điển hình là Việt Nam trước khi thống nhất:

-         chính phủ Việt Nam Cộng hòa dùng giờ GMT+06:30

-         chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dùng giờ GMT+07:00.

Tất cả cho thấy các đơn vị đo lường thời gian chỉ là những quy ước, có tính cách tương đối.

 III. PHÂN LOẠI THỜI GIAN

Vũ trụ vận động không ngừng đưa đến khái niệm về thời gian. Từ hoạt động suy nghĩ của con người mà thời gian được phân loại như sau:

o   thời gian vật lý:

o   thời gian tâm lý

o   thời gian sinh học

o   thời gian đối với nhà triết học

o   thời gian dưới mắt nhà khoa học

o   thời gian dưới mắt nhà tôn giáo

o   thời gian theo các chuyên môn khác nhau

 

A.   THỜI GIAN VẬT LÝ

Thời gian là một phần của cấu trúc cơ bản của vũ trụ , trong đó các sự kiện xảy ra theo trình tựmột chiềuvà nó đôi khi được gọi là thời gian của Newton .

Thời gian vật lý là thời gian chuyển biến theo tự nhiên gọi là thời gian niên đại hay thời gian đồng hồ, đó là thời gian tuần tự ngày rồi đêm, hết đêm là ngày; hết xuân đến hạ, kế hạ là thu rồi đông…Thời gian vật lý thì vô tình,  đi trên một con đường thẳng tắp, đều đặn như một cái máy không bao giờ hư. Thời gian vật lý là thời gian khoa học, không màu sắc hương vị, thời gian của cả vũ trụ, không phải của riêng con người.

B.   THỜI GIAN TÂM LÝ

Thời gian tâm lý là thời gian do sự suy tưởng của con người mà hình thành.Thời gian tâm lýcó tính hữu tình, lúc nhanh lúc chậm.Khi hai người đang yêu ở gần nhau thì thời gian như ngừng lại. Nếu họ phải chờ đợi nhau vì có một người lỡ hẹn thì một giờ dường như một tháng… Còn đối với người bị giam cầm trong ngục tù thì “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” tức là chỉ một ngày đêm thôi nhưng lâu như đến thiên thu. Nếu suy gẫm sâu sắc ta thấy rằng, thời gian tâm lý có thể gây đau khổ triền miên cho con người. Điều này là rõ ràng bởi vì người ta thường không sống an nhiên trong hiện tại mà cứ sống mải mê trong quá khứ của tâm trí hoặc chìm đắm trong vọng tưởng tương lai.

Thời gian tậm lí phát sinh từ các cảm xúc của con người, nó bị chi phối hoàn toàn bởi những gì diễn ra trong bộ não. Tất nhiên phần nào đó ta vẫn cảm nhận được thấy thời gian vật lí ngay trong khi các quá trình tâm lí diễn ra vì thế giới mà ta đang sống vẫn là thời giới vật lí. Tuy nhiên nếu nói rằng thời gian tâm lí không có ý nghĩa gì vì nó chỉ là cảm xúc thí không ổn. Một phần lí do tạo nên thời gian tâm lí là tốc độ các phản ứng sinh hóa trong cơ thể con người bị thay đổi tùy theo tình trạng tâm lí, đó chính là tốc độ sống của con người đã bị thay đổi đôi chút (cái này có lẽ cũng giống với thời gian sinh học nói trên.) Rõ ràng thời gian tâm lí này có làm thay đổi đến thời gian của chúng ta. Có điều thời gian tâm lí lại của riêng mỗi người, mỗi người trong cùng một thời điểm có những trạng thái tình cảm khác nhau và thời gian tâm lí của họ sẽ khác nhau. Platon từng nói : “Thời gian chỉ tồn tại trong thế giới vật lí cảm giác của con người mà thôi!”

 

C.   THỜI GIAN SINH HỌC

Tuổi thọ trung bình của con người là 60. Vậy 6O này là gì? Đó là cái mà ở trên đã được định nghĩa là thời gian vật lí. Nó tương ứng với 60 năm đo theo chu kì quay của Trái Đất quanh Mặt Trời. Một năm Trái Đất vẫn chỉ quay quanh Mặt Trời có 1 vòng và cũng chẳng bao giờ ít hơn, có điều với chúng ta, một năm tương ứng với 1/60 của cuộc đời còn với một con rùa có tuổi thọ  200 năm thì đó là 1/200, có nghĩa là tốc độ sống của nó chậm hơn của chúng ta rất nhiều… Vậy là chúng ta có một ví dụ cho thấy thời gian không có giá trị tương đương nhau. Thời gian đó gọi là thời gian sinh học.

 

D.   THỜI GIAN DƯỚI MẮT NHÀ TRIẾT HỌC

 

- HERACLITUS (tiếng Hy Lạp: Herákleitos); khoảng 544 TCN – 483 TCN, xuất thân trong một gia đình quý tộc ở Ionia nhưng ông sống một cuộc đời rất nghèo khổ và cô độc. Dưới con mắt của Heraclitus, mọi sự vật trong thế giới của chúng ta luôn luôn thay đổi, vận động, phát triển không ngừng. Thế giới như một dòng chảy, cứ trôi đi mãi. Từ đó, ông đưa ra luận điểm nổi tiếng:"Người ta không bao giờ tắm hai lần ở một giòng sông". Tất cả luôn luôn biến đổi, cái này đưa tới cái kia, vừa chống đối nhau vừa nẩy sinh ra nhau, như "sáng / tối", "nóng / lạnh", "ngày / đêm". Không có gì thường xuyên biến đổi như một dòng sông nhưng cũng không có gì ổn định như dòng sông. Bởi khi nó vận động cũng là khi nó đứng im. Nói cách khác, tính biến đổi của dòng sông không loại trừ sự đứng im, tức là cái mà nhờ đó dòng sông là xác định, ổn định và bất biến.Ở Heraclitus, không những sông mà cả mặt trời cũng thường xuyên và liên tục đổi mới.

- PARMÉNIDE ngược lại,ông cho rằng sự có mặt là vĩnh cửu, và tất cả đổi thay chỉ là những vẻ bên ngoài. Cũng trong chiều hướng này, PLATON chủ trương bên cạnh thế giới hiện tượng đổi thay, còn có thế giới của Tư tưởng, của Linh Hồn, một thế giới vĩnh cửu bất biến, vượt khỏi thời gian. Thời gian đương nhiên trở thành "hình ảnh chuyển động của sự vĩnh cửu bất động" .

- ARISTOTELES( 384 TCN – 322 TCN) chào đời tại Stagira thuộc miền Thrace năm 384 trước Tây Lịch. Stagira là một tỉnh nhỏ, thuộc địa của Hy Lạp. Aristoteles đến Athena từ lúc 18 tuổi và trở thành môn đệ của Platôn bắt đầu từ đó.Ông học với Platon khoảng gần 20 năm.Đối với Aristotle, bản chất của thiên nhiên là thay đổi và ông đã định nghĩa môn triết học của thiên nhiên là sự khảo sát các sự vật đổi thay:“Thời gian là thước đo của sự chuyển động, giữa trước và sau ; thời gian liên tục, bởi vì thuộc vào sự liên tục”. Chỉ có thời gian hiện tại mới là thời gian thực sự.

- Theo EPICTETUS (50-120 sau CN), triết gia vĩ đại thuộc trường phái Khắc Kỷ (Stoicism), tri túc (contentment), có nghĩa là biết đủ, là một trong những yếu tố có giá trị nhất trong cuộc sống -một đời sống lặng lẽ, bình yên và điềm nhiên. Niềm an lạc ấy được tìm thấy thông qua sự tự kiềm chế (self - control) hay tự chủ (self - mastery); đó là khả năng chế ngự lòng ham muốn và làm chủ bản thân, không để mình buông thả theo dục vọng.

Theo trường phái Khắc Kỷ, thời gian không có thực chất, nhưng "mọi sự vật hiện hữu và chuyển động chính ở trong thời gian". Thời gian nằm trong cuộc sống của thế giới, tức là của Tạo Hóa, bởi vì vũ trụ chính là Thiên Nhiên, là Tạo Hóa. Do đó, nhà hiền triết khắc kỷ tuân theo và chấp nhận thời gian, sống phù hợp với thời gian, để hòa đồng với Tạo Hóa. Trong một lá thư cho học trò mình, Sénèque viết : "Không có gì thuộc về ta cả, Lucilius ạ. Chỉ có thời gian là của ta. Cái tài sản thoáng qua và trơn tuột đó là điều duy nhất mà Tạo Hóa đã tạm trao cho chúng ta"...

-         G. W. LEIBNIZ ( Leibnitz hay là von Leibniz  1646   1716) là một nhà bác học người Đức.

 Leibniz đã đóng một vai trò quan trọng trong chính trị của châu Âu và các vấn đề ngoại giao trong thời đại của ông. Ông chiếm vị trí quan trọng ngang nhau trong cả lịch sử triết học  lịch sử toán học. Trong triết học, ông được nhớ đến nhiều nhất với chủ nghĩa lạc quan.Kết luận của ông là vũ trụ của chúng ta là, trong một nghĩa giới hạn, là một vũ trụ tốt nhất mà Thượng Đế có thể tạo ra.Leibniz cho rằng thời gian cũng như không gian là những gì hoàn toàn tương đối, không có thực thể : không gian là "trình tự của những gì có khả năng cùng có mặt", trong khi đó thời gian là " trình tự của những gì có khả năng kế tiếp nhau", nhưng có liên hệ với nhau. Đó chính là một vấn đề nan giải của thời gian, bởi vì làm thế nào giải thích được tính chất đôi của thời gian, vừa là kế tiếp vừa là liên tục, vừa phân biệt vừa bao gồm những giây lát hình thành nó

-         IMMANUEL KANT (1724-1804), sinh tại KönigsbergĐức, nay là KaliningradNga. Kant đề xuất bốn nghi vấn trong các bài viết và tìm cách giải đáp chúng:

1.     “Tôi có thể biết được gì?” – Trong Nhận thức luận của ông

2.     “Tôi nên làm gì?” – Trong Luân lí học của ông

3.     “Tôi có thể hi vọng được gì?” – Trong Triết học tôn giáo của ông

4.     “Con người là gì?” – Trong Nhân loại học của ông

Theo ông, con người có một giác quan bên ngoài, mang cho chúng ta ý tưởng về không gian và có một giác quan nội tại mà với nó, con người tạo ra ý tưởng về thời gian. Không gian và thời gian là những điều kiện tiên quyết cho tri thức. Người ta không thể suy tưởng được những đối tượng không có không gian và thời gian. Theo ý tưởng thông thường về thế giới bên ngoài thì có những làn sóng ánh sáng, được tiếp nhận bằng cặp mắt – cặp mắt bị kích thích. Trong bộ não, trực quan cảm năng này được biến thành cái trình hiện cho người ta thấy. Thế giới bên ngoài như vậy đã là một ý tưởng chủ quan. Không gian và thời gian, trong vai trò hình thái thuần tuý của trực quan cảm năng, được bổ sung vào các cảm nhận. Chúng là những hình thái thuần tuý của trực quan con người, không có giá trị cho những đối tượng tự thể... Trường hợp con người không tưởng tượng được những đối tượng không có không gian và thời gian được Kant giải thích là nằm ở sự hạn chế của con người. Không gian và thời gian có trong những vật tự thể hay không là một điều con người không thể biết được.

-         G. W. F. HEGEL ( 1770 -  1831) là một nhà triết học người Đức, được coi là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Đức. Đối với Hegel, thời gian có ba kích thước: quá khứ là sự hiện hữu như bị xóa bỏ, như không có mặt; tương lai là sự không có mặt nhưng tất định có; hiện tại là sự trở thành lập tức, và sự kết hợp của hai cái trên.

“Chỉ có thời gian khi có lịch sử, tức là có sự hiện hữu của con người... Con người ở trong thời gian, và thời gian không có ngoài con người ; do đó con người chính là thời gian và thời gian chính là con người”.

-         Nhà khoa học gia Mỹ, DAVID ALLAN thuộc viện tiêu chuẩn và kỹ thuật quốc gia Hoa Kỳ đã phát biểu: “Đồng hồ là một dụng cụ rất hạn chế. Thực ra , không có quá khứ hay tương lai: quá khứ chỉ là một ý niệm nhớ lại, tương lai chỉ là một ý niệm chờ mong. Chiếc đồng hồ chỉ báo cho ta khoảnh khắc hiện tại. Đúng không? Ta làm gì thấy quá khứ hay tương lai trên mặt đồng hồ.”

 

Nói tóm lại, thời gian không phải là một, mà là hai : đó vừa là một định luật tự nhiên, khách quan, bao trùm, vừa là một khái niệm chủ quan của con người . Chỉ có con người mới có ý thức về thời gian. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian liên tục trôi qua. Phải có thời gian mới có hiện hữu.

 

 

E.   THỜI GIAN ĐỐI VỚI NHÀ TÔN GIÁO

 

1.     DƯỚI CÁI NHÌN CỦA ẤN GIÁO & KỲ NA GIÁO

Các kinh Veda , các văn bản sớm nhất về triết học Ấn Độ  triết học Ấn giáo có niên đại từ cuối thiên niên kỷ 2 trước Công nguyên cổ, mô tả vũ trụ học Hindu , trong đó vũ trụ đi qua các chu kỳ lặp đi lặp lại:  SÁNG TẠO, BẢO TỒN VÀ HỦY DIỆT.

 Thời gian đã là đề tài luôn kích thích mạnh mẽ óc suy tưởng của các triết gia Ấn. Họ nhận định rằng thời gian không những là tác nhân liên hệ đến sự hình thành của vũ trụ mà còn là một nhân tố chi phối đến vạn vật trong cuộc sống. Người Ấn trầm tư về thời gian trong trạng thái tĩnh hơn là động. Dù rằng vạn hữu trong thế gian luôn vận hành và biến đổi, nhưng tự thể của chúng vẫn thường còn và không bị chi phối bởi những biến dịch không ngừng của vũ trụ. Silanka, một tư tưởng gia của Kỳ Na giáo còn cho rằng thời gian có thể được xem như một nguồn lực tạo nên sự tiến hóa của muôn vật trong thế giới bao la này.

2. DƯỚI CÁI NHÌN CỦA KHỔNG GIÁO & LÃO GIÁO

Mọi sự vật đều biến chuyển theo những định luật tự nhiên, tức là luật biến hóa của vũ trụ. Khổng Tử ghi lại điều này trong Kinh Dịch : từ Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh ra Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát Quái, cho tới 64 Quái, với Ngũ Hành tương sinh tương khắc, sinh ra vạn vật.

Lão Tử trong Đạo Đức Kinh, cũng vạch rõ những biến chuyển tự nhiên của vũ trụ, nhưng khuyến cáo con người không nên cưỡng lại mà nên thuận với những biến đổi tự nhiên đó.

3. DƯỚI CÁI NHÌN CỦA PHẬT GIÁO

Khi đề cập đến vấn đề thời gian và những khía cạnh liên quan đến thế giới, đức Phật thường dạy rằng với tri kiến hạn hẹp và tâm thức còn đầy dẫy vọng tưởng của mình, con người không thể nào thấu hiểu một cách tường tận về vấn đề khởi nguyên của vũ trụ. Con người chỉ có thể hiểu một cách tổng quát rằng sự hình thành và hoại diệt của thế giới diễn ra trong nhiều khoảng thời gian dài (thuật ngữ Phật giáo gọi là kiếp) khác nhau…Thời gian của mỗi kiếp trong mỗi cảnh giới thường tùy thuộc vào cộng nghiệp của chúng sanh trong cảnh giới ấy. 

 

Trên nền tảng duyên khởi, đối với các pháp hữu vi, sự hoại diệt hay cái chết chỉ là vấn đề của thời gian vì nó có thể xảy đến bất cứ lúc nào, một khi nhân duyên đã hội đủ. Dù thời gian là yếu tố chi phối đến đời sống vật chất và tinh thần của loài hữu tình, những ai đã thực sự giác ngộ sẽ không còn chịu sự chi phối như thế. Vị ấy không bị sự tác động đó không phải vì vị ấy đã an trú vào trạng thái tồn tại miên viễn mà là vì hai lý do sau: Thứ nhất, khi đã hoàn toàn đoạn trừ tham ái và chấp thủ, hành giả sẽ không còn vướng lụy vào trần cảnh và đối với vị ấy cái chết không còn là nỗi lo âu, dằn vặt nữa. Thứ hai, vị ấy đã thoát khỏi vòng sanh diệt của kiếp sống luân hồi. Người thoát khỏi vòng sanh diệt như thế cũng chính là thoát khỏi những ràng buộc của thời gian vì rằng ngoài vòng sanh diệt thời gian không còn hiện hữu. 

 

Đức Phật đã dạy hàng đệ tử của Ngài không nên truy tầm về quá khứ mà cũng chẳng nên ước vọng nhiều về tương lai; hiện tại là giây phút mầu nhiệm và ý nghĩa nhất trong sự thăng hoa đời sống của mỗi người. Sống với hiện tại là lối sống mà các bậc hiền nhân đã từng thể nghiệm và nhắc nhở cho các thế hệ mai sau. Chính sự an trú trong lối sống đó, con người sẽ nhận ra sự đồng nhất giữa mình và người, giữa người và vạn vật để từ đó trực nhận rằng bản ngã chỉ là một cái bóng mờ xa xăm và sự hiện hữu của mình luôn tùy thuộc vào sự hiện hữu của người khác và vô số nhân duyên khác…

 “Theo quan niệm Phật giáo, thời gian là một đại lượng tương đối; hiểu theo nghĩa không có tương quan với hiện tượng thì thời gian không có – Không có thể có thời gian tự thân”

 Đó là lời phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma , trong buổi hội thảo với các thức giả và những nhà khoa học tại Viện Niels Bohr (Đan Mạch) năm 1983.

4. QUAN ĐIỂM CỦA KY-TÔ GIÁO

Thời gian mang ba ý nghĩa:

·        Thời gian là một sự tin cậy hay ủy thác. Đấng Tạo Hóa ban cho mỗi chúng ta một thời lượng nhất định trong cuộc đời này, chúng ta đang sử dụng thời lượng này như thế nào và cho việc gì? Chúng ta có đang phung phí thời gian hay sử dụng thật đích đáng và hữu hiệu những thời khắc có được trong tay?

·        Thời gian là một cuộc trắc nghiệm. Chúng ta không thể thay đổi những gì đã xảy ra rồi trong quá khứ, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn làm việc gì cho những thời điểm trong tương lai và những lựa chọn này phản ánh tinh thần đạo đức và tình trạng tâm linh của bạn. Chúng ta lựa chọn việc lành hay lựa chọn điều ác? Chúng ta chọn sống cho tha nhân hay chọn chỉ cho chính mình? Chúng ta lựa chọn tìm kiếm Đấng Tạo Hóa hay lựa chọn sống theo danh vọng, quyền lợi? Thời gian, tự nó không tốt mà cũng không xấu, nhưng thời gian trở nên tốt hay xấu là do sự lựa chọn của mỗi chúng ta.

·        Thời gian là một cuộc hẹn. Thời gian cho chúng ta cơ hội để nhận ra Đấng tạo dựng ra mình. Thời gian mang đến cho chúng ta dịp tiện để bước vào mối liên hệ với Thiên Chúa hằng sống.

          Vào thời kỳ Trung cổ, Thánh Augustin đã đưa ra những nhận định sâu sắc về thời gian : "Thời gian là gì ? Nếu không ai hỏi tôi về thời gian, thì tôi biết rõ ; nhưng khi cần phải giải thích thì tôi không còn biết thời gian là gì. Tuy vậy, tôi dám mạnh bạo quả quyết rằng, nếu không có gì xảy ra, sẽ không có thời gian đi qua ; nếu không có gì xẩy đến, sẽ không có thời gian sắp tới ; nếu không có gì hiện hữu, sẽ không có thời gian hiện tại.”

F.    PHÂN LOẠI THEO CHUYÊN MÔN

Thời gian còn được xếp loại theo các ngành chuyên môn như: địa chất, lịch sử…

-THỜI GIAN ĐỊA CHẤT:Theo nhà cổ sinh vật học Stephen Jay Gould, còn có một loại thời gian gọi là thời gian sâu thẳm (temps profond), tức là thời gian địa chất (temps géologique), thời gian đó kéo dài trên hàng tỷ năm từ lúc hình thành trái đất, và mới được con người ý thức được từ chưa đầy hai thế kỷ nay

 

-THỜI GIAN THẲNG DỌC (temps linéaire ou sagittal)

Theo quan niệm thời gian thẳng dọc, lịch sử được coi như là sự nối tiếp một chiều của những sự kiện chỉ có mặt một lần. Mỗi khoảnh khắc đứng một địa vị riêng trong chuỗi thời gian, và toàn thể những khoảnh khắc thời gian chuyển vận theo một chiều hướng nhất định.

-THỜI GIAN CHU KỲ (temps cyclique)

"Mặt trời mọc, mặt trời lặn, và mặt trời mọc trở lại. Gió thổi quanh, quay đi và trở lại. Tất cả các giòng sông chẩy về biển cả, và biển vẫn không đầy. Cái gì đã có sẽ có, cái gì đã thực hiện sẽ thực hiện trở lại, và không có gì mới mẻ dưới ánh mặt trời".

Theo quan niệm thời gian chu kỳ, những sự kiện không còn tính chất riêng rẽ, nhưng thể hiện những điều căn bản luôn luôn có mặt và bất biến. Mọi biến chuyển nằm trong những chu kỳ được lập lại, và những khác biệt trong quá khứ sẽ trở thành những thực hiện trong tương lai. Chỉ cần quan sát thiên nhiên, người ta cũng thấy rõ tính chất chu kỳ của những biến đổi trong cuộc sống. Từ hơi thở, nhịp tim, sự co giãn bắp thịt, kinh nguyệt, cho tới sự bài tiết nội tuyến, những làn sóng điện trong não, dường như tất cả mọi sinh vật đều sống theo nhịp một chiếc đồng hồ sinh lý, theo luật thời gian chu kỳ. Nhìn rộng hơn, ngay cả trong thế giới khoáng chất, trái đất với bốn mùa, nước thủy triều, nắng mưa, gió bão, các vì sao và các hành tinh, đều vận chuyển theo thời gian chu kỳ. Nếu không có thời gian chu kỳ thì sẽ không có gì trở lại, không tiên đoán được việc gì xảy ra (ngày mai mặt trời liệu có mọc?), không có khoa học với các định luật, phương trình.

Nhưng chính quan niệm thời gian thẳng dọc mới là động cơ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật tại Tây phương từ thế kỷ thứ XVII. Bởi vì quan niệm thời gian thẳng dọc bao hàm khái niệm tiến hóa và tiến bộ. Có thời gian thẳng dọc mới có khám phá, đả phá, xây dựng, phát triển. Nếu "không có gì mới mẻ dưới ánh mặt trời", thì việc gì phải mệt sức đặt lại vấn đề và cố gắng gia tăng sự hiểu biết của con người? Theo Mircea Eliade, sự chú trọng tới tính chất "mới lạ" và "một chiều" của lịch sử là một khám phá tương đối mới trong đời sống nhân loại.

Nếu quan niệm thời gian thẳng dọc phát triển mạnh mẽ trong văn minh Tây phương, thì quan niệm thời gian chu kỳ lại chế ngự văn minh Đông phương một cách rõ rệt. Chúng ta có thể tự hỏi rằng phải chăng một trong những lý do chậm trễ về khoa học kỹ thuật của Đông phương nằm chính trong quan niệm thời gian chu kỳ trội hẳn đó? Thật ra, hai quan niệm thời gian thẳng dọc và thời gian chu kỳ, dưới hai ẩn dụ mũi tên và vòng tròn, đều đúng và sai như nhau. Đó chỉ là một cách nhìn nhị đối (dichotomie) quen thuộc của người Tây phương. Cũng như nhiều sự phân đôi khác ("linh hồn/thể xác"; "sáng tạo/tiến hóa"; "nhất nguyên/đa nguyên" v.v.) cách nhìn đối chiếu này đều sai lầm hoặc thiếu sót, bởi vì chỉ thể hiện được một phần nào của thực tế vô cùng phức tạp. Đó chỉ là những phương tiện do con người chế tạo ra để làm sáng tỏ những suy nghĩ của mình.

Hình ảnh thích hợp nhất về thời gian, có lẽ là vòng xoắn (spirale), bởi vì vừa mang tính chất thẳng dọc vừa mang tính chất chu kỳ. Những gì xẩy ra cũng trở lại, nhưng không hoàn toàn như trước. Mặt trời mọc và lặn trở lại, bốn mùa quay trở lại và các thế hệ nối tiếp nhau, nhưng không có ngày nào giống ngày nào, và không có người nào giống người nào. Cũng như câu trả lời của nhà sư Nagâsena (Na Tiên) khi vua Milinda hỏi cái "ta" là gì. "Cũng như một ngọn lửa, đổi thay trong từng giây phút, không phải cùng là một ngọn lửa, nhưng không phải là một ngọn lửa khác" .

Liệu "thời gian" của nhà khoa học có phải là "thời gian" của nhà triết học ? Đó là câu hỏi đặt lên trong cuộc đối thoại tại Paris năm 1922 giữa Bergson và Einstein, về "Thời gian và thuyết tương đối". Để trả lời câu hỏi của Bergson :"Ông có chắc rằng thời gian của ông là thời gian của con người tầm thường không ?", Einstein khẳng định : "Thời gian của nhà triết học và thời gian của nhà vật lý học là một. Không có thời gian của triết học. Chỉ có thời gian tâm lý khác với thời gian của vật lý học. Chỉ có khoa học mới nói được sự thật".

VÀI TRIẾT LÝ VỀ THỜI GIAN

Loài bươm bướm đo cuộc đời không phải bằng tháng, mà bằng khoảnh khắc, 
chúng cũng chẳng thiếu thời gian để sống.
R. Tagore

Hãy đắm mình trong vẻ đẹp của thời tiết chuyển mùa hơn là ngồi tiếc nhớ xuân qua. Georges Santayana

 

Có những người vẫn đẹp mãi dù bao nhiêu tuổi; Họ chỉ chuyển vẻ đẹp từ ngoài gương mặt vào trong tâm hồn. Martin Buxbaum

Bí quyết của hạnh phúc chỉ đơn giản là có ai đó để thương yêu, có việc gì đó để làm, và điều gì đó để mong đợi. William Blake

 

 

IV. SỰ KHỞI ĐẦU CỦA THỜI GIAN

A. VỤ NỔ BIG BANG

Lý thuyết Big Bang là một lý thuyết khoa học về nguồn gốc của vũ trụ. Lý thuyết đó phát biểu rằng vũ trụ được bắt đầu từ một điểm kỳ dị  mật độ vật chất  nhiệt độ lớn vô hạn tại một thời điểm hữu hạn trong quá khứ. Từ đó, không gian đã mở rộng cùng với thời gian và làm cho các thiên hà di chuyển xa nhau hơn, tạo ra một vũ trụ giãn nở như chúng ta thấy ngày nay.

Ý tưởng trung tâm của lý thuyết này là quá trình vũ trụ đang giãn nở. Nó được minh chứng bằng các thí nghiệm về dịch chuyển đỏ của các thiên hà (định luật Hubble). Điều đó có nghĩa là các thiên hà đang rời xa nhau và cũng có nghĩa là chúng đã từng ở rất gần nhau trong quá khứ và quá khứ xa xưa nhất, cách đây khoảng 13,3-13,9 tỷ (13,3-13,9 × 109) năm.

Từ "Vụ nổ lớn" được sử dụng trong một nghĩa hẹp, đó là một thời điểm trong thời gian khi sự mở rộng của vũ trụ bắt đầu xuất hiện, và theo nghĩa rộng, đó là quá trình tiến hóa, giải thích nguồn gốc  sự phát triển của vũ trụ.

                                                                                        (theo wikipedia).

Lý thuyết Vụ Nổ Lớn

Description: Theo thuyết Vụ Nổ Lớn, vũ trụ bắt nguồn từ một trạng thái vô cùng đặc và vô cùng nóng (điểm dưới cùng). Từ đó, không gian đã mở rộng cùng với thời gian và làm cho các thiên hà di chuyển xa nhau hơn.

 

Theo thuyết Vụ Nổ Lớn, vũ trụ bắt nguồn từ một trạng thái vô cùng đặc và vô cùng nóng (điểm dưới cùng). Từ đó, không gian đã mở rộng cùng với thời gian và làm cho các thiên hà di chuyển xa nhau hơn... Quay ngược về quá khứ, ta sẽ gặp đến một điểm kỳ dị hấp dẫn, một khái niệm mang tính chất toán học, có thể không thực sự trùng với sự thật. Đây là cơ sở để hình thành lý thuyết Vụ Nổ Lớn, lý thuyết được công nhận nhiều nhất trong vũ trụ học ngày nay.

 

A.   TỐC ĐỘ CỦA THỜI GIAN

 

1.TỐC ĐỘ CỦA ÁNH SÁNG

Đối với một vật chuyển động thẳng đều, tốc độ và chiều chuyển động không thay đổi theo thời gian. Do đó, vector vận tốc có giá trị xác định và không đổi.Nếu đã biết chiều chuyển động, điều chúng ta quan tâm là tốc độ chuyển động, hay quãng đường đi được trong một đơn vị thời gian. Để tính tốc độ chuyển động, chúng ta đơn giản lấy quãng đường đi được chia cho thời gian đi hết quãng đường đó.

Description:  v = \frac{s}{t}

§  s là quãng đường

§  t là thời gian

§  v là tốc độ của chuyển động thẳng đều

Trong SI, quãng đường đo bằng mét (m), thời gian đo bằng giây (s) thì tốc độ có đơn vị là mét trên giây (m/s).Vận tốc âm thanh là 344m/s.

Nếu quan tâm đến chiều chuyển động, ta có thể quy ước một trong hai chiều là chiều dương và gán cho vận tốc giá trị dương khi vật chuyển động cùng chiều với chiều dương đã chọn và giá trị âm khi vật chuyển động theo chiều ngược lại.Vận tốc của cùng một chuyển động có thể có những giá trị khác nhau đối với những quan sát viên khác nhau. Do đó, vận tốc có tính tương đối. Ví dụ, một vật chuyển động (có vận tốc khác không) so với vật khác nhưng lại đứng yên (có vận tốc bằng không) so với chính mình.

Tốc độ ánh sáng (hay vận tốc ánh sáng) là độ lớn vô hướng của vận tốc lan truyền của ánh sáng. Trong chân không, các thí nghiệm đã chứng tỏ ánh sáng đi với tốc độ không thay đổi  c = 299 792 458 m/s (xấp xỉ 300 000 km/s), không phụ thuộc vào hệ quy chiếu.

Hiện tượng tốc độ ánh sáng trong chân không không phụ thuộc vào hệ quy chiếu đã thay đổi nhiều quan điểm về cơ học cổ điển của Isaac Newton và thúc đẩy Albert Einstein tìm ra lý thuyết tương đối.

 

2.TỐC ĐỘ CỦA THỜI GIAN

Vào thế kỷ XVI, Galileo cho rằng thời gian là khía cạnh căn bản của vật lý học. Một thế kỷ sau đó, Newton đã đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn về thời gian. Theo lý giải của ông, người ta chỉ có thể xác định được sự di chuyển của những vật thể trong không gian thông qua vị trí và vận tốc của chúng tại những thời điểm cụ thể, theo đó thời gian mang tính tuyệt đối và phổ quát, nghĩa là mọi người đều có nhận thức giống nhau về quá khứ, hiện tại và tương lai; không gian và thời gian hoàn toàn tách biệt và không tương hệ nhau.

Đến năm 1905, Einstein đã nêu lên nghi vấn về khái niệm thời gian tuyệt đối trên khi ông công bố Thuyết Tương Đối Đặc Biệt của mình. Ông cho rằng thời gian không thể tồn tại độc lập với vũ trụ và sở dĩ có sự mau hay chậm của thời gian là do sự di chuyển của những người đang quan sát nó. Nếu chúng ta di chuyển nhanh hơn thì thời gian sẽ trôi qua chậm hơn.

Ta có thể hiểu điều này qua ví dụ sau: khi một người đang di chuyển trên một phi thuyền không gian với tốc độ bằng 87% vận tốc ánh sáng thì thời gian trong điều kiện đó sẽ chậm bằng một nửa so với thời gian trong điều kiện bình thường trên mặt đất. Bên cạnh đó, sự lão hóa của nhà phi hành cũng chỉ bằng một nửa so với lúc anh ta sống trong điều kiện bình thường. Ví dụ như nếu anh ta có một người em sinh đôi đang sống trong điều kiện bình thường, sau một chuyến du hành dài trên một phi thuyền không gian với tốc độ cao, khi trở lại trái đất anh ta vẫn trẻ hơn rất nhiều so với người em của mình.

Trong trường hợp phi thuyền đó di chuyển với tốc độ bằng 99% vận tốc ánh sáng, thời gian sẽ chậm đi bảy lần, và với tốc độ bằng 99,9% tốc độ ánh sáng, thời gian sẽ chậm đi 22,4 lần. Cũng theo Einstein, thời gian và không gian không thể tồn tại tách biệt nhau mà ngược lại chúng luôn đan xen và bổ sung cho nhau. Nếu như thời gian bị chậm đi thì không gian cũng thu hẹp lại...

 Vì không gian và thời gian không tồn tại tách biệt nên trọng lực có một tác động thực sự đối với thời gian. Chính trọng lực đã làm cho không gian và thời gian bị cong lại. Trong cùng một thời điểm, sự nhanh hay chậm của thời gian ở những nơi khác nhau sẽ không giống nhau vì rằng sự phân bố vật chất và độ cong ở đó không hoàn toàn giống nhau. Trở lại ví dụ về hai anh em sinh đôi trên, nếu cho một người sống dưới đồng bằng và người còn lại sống trên núi cao, thì người sống trên núi cao sẽ già nhanh hơn người sống dưới đồng bằng. Ví dụ về sự nghịch lý hai anh em sinh đôi trong hai trường hợp trên của Langevin, một nhà vật lý học người Pháp, tuy lạ lẫm nhưng lại đúng sự thật. Nó chỉ “nghịch lý” đối những ai vốn có nhận thức sai lầm rằng thời gian là tuyệt đối và phổ quát. Như thế, vận tốc thời gian chỉ có giá trị tương đối mà thôi.

"Tam giác quỉ" Bermuda ở Đại Tây Dương được mệnh danh là "tử địa", vì đã có hàng trǎm tàu thuyền và máy bay bị mất tích một cách bí ẩn tại đây trong vòng 100 nǎm qua. Những người đi biển tin rằng giữa Đại Tây Dương có một "rốn biển" với những xoáy nước khổng lồ có đường kính hơn 100 dặm... Và đó có thể là cánh cửa xuyên vào một chiều thời gian khác có tốc độ gấp 2 lần tốc độ ánh sáng. Các nhà khoa học ở một số cơ quan nghiên cứu quốc tế nổi tiếng cho biết, có thể làm cho con người chúng ta xuyên qua một chiều thời gian khác, nhưng đáng tiếc tốc độ của các phương tiện mà con người tạo ra hiện thời mới chỉ đạt chưa đầy 1/3 tốc độ ánh sáng. Vì vậy, những tàu thuyền và máy bay bị mất tích một cách bí ẩn có thể là do bị hút vào một chiều không gian khác.

Tiếp theo

Top of Page

      HOME